
Mỗi buổi sáng, khi mở điện thoại để xem dự báo thời tiết. Nhiều người bắt gặp hàng loạt biểu tượng và con số xuất hiện trên màn hình: một đám mây có giọt mưa, mặt trời ló sau mây, những tia sét nhỏ kèm theo đám mây đen hay những mũi tên chỉ hướng gió.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thật sự hiểu rõ những biểu tượng này có ý nghĩa gì và chúng tác động thế nào đến cuộc sống thường ngày. Việc hiểu đúng và chính xác các ký hiệu trên bản tin thời tiết không chỉ giúp chúng ta lựa chọn quần áo phù hợp, lên kế hoạch làm việc hiệu quả hơn mà còn có thể hỗ trợ trong việc phòng tránh rủi ro từ các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Một bản tin thời tiết hiện đại thường không chỉ dừng lại ở một câu nói đơn giản như “Hôm nay có mưa” mà bao gồm nhiều thành phần như hình ảnh minh họa, bản đồ dự báo, các chỉ số định lượng và thậm chí là cảnh báo về những hiện tượng bất thường.
Các ứng dụng thời tiết và chương trình truyền hình đều cố gắng truyền tải thông tin một cách trực quan nhất. Thường sử dụng icon biểu tượng để thể hiện thời tiết trong ngày hoặc trong tuần. Ngoài ra, các chỉ số cụ thể như nhiệt độ cao nhất – thấp nhất, độ ẩm, tốc độ gió, xác suất mưa và áp suất khí quyển cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh toàn cảnh điều kiện khí quyển trong thời điểm dự báo.
Biểu tượng mặt trời thường xuất hiện khi thời tiết khô ráo, bầu trời quang đãng, không có mây hoặc chỉ có mây mỏng. Nếu xuất hiện hình ảnh mặt trời ló sau đám mây, điều đó có nghĩa là thời tiết có nắng nhưng bị che khuất từng lúc bởi mây – hay còn gọi là "trời nắng gián đoạn". Biểu tượng đám mây kèm theo giọt mưa thể hiện trạng thái trời có mưa, và nếu giọt mưa kèm theo tia sét, tức là khu vực đó có thể xảy ra giông sét. Khi biểu tượng mây trắng dày kèm theo các hạt tuyết rơi là dấu hiệu của thời tiết giá lạnh và có tuyết, điều phổ biến ở vùng ôn đới hoặc vùng núi cao tại Việt Nam như Sa Pa trong mùa đông. Biểu tượng sương mù thường được thể hiện bằng các đường kẻ mảnh song song – thể hiện hiện tượng giảm tầm nhìn do độ ẩm cao, không khí lạnh và không có gió.
Nhiệt độ là chỉ số được quan tâm nhiều nhất, thường được hiển thị theo đơn vị độ C (Celsius) tại Việt Nam. Tuy nhiên, người dùng nên hiểu rằng nhiệt độ đo được không phản ánh hoàn toàn cảm giác thực tế. Trong những ngày có gió mạnh hoặc độ ẩm thấp, cảm giác thực tế có thể lạnh hơn nhiều so với chỉ số hiển thị. Ngược lại, độ ẩm cao có thể làm cho một ngày 32°C trở nên ngột ngạt như 38°C.
Tốc độ và hướng gió thường được thể hiện qua mũi tên, cho biết gió đến từ đâu và mạnh đến mức nào. Gió từ phía Bắc thường mang theo không khí lạnh, trong khi gió Tây Nam vào mùa hè lại nóng và ẩm. Áp suất khí quyển là một chỉ số chuyên sâu hơn nhưng không kém phần quan trọng. Khi áp suất giảm nhanh, đó có thể là dấu hiệu cho thấy thời tiết xấu đang đến gần, như bão hay mưa giông. Ngược lại, áp suất ổn định hoặc tăng cao thường đi kèm với thời tiết khô ráo và nắng đẹp.
Bản đồ thời tiết được thiết kế để giúp người xem hình dung nhanh tình hình khí tượng ở quy mô vùng hoặc toàn quốc. Trên bản đồ, các vùng mưa thường được thể hiện bằng các vùng màu xanh dương nhạt đến đậm, tùy theo cường độ mưa. Các đường cong liền nhau gọi là đường đẳng áp dùng để thể hiện sự chênh lệch áp suất khí quyển giữa các khu vực. Khoảng cách giữa các đường càng gần nhau, gió càng mạnh. Mũi tên thể hiện hướng gió, trong khi các biểu tượng mưa, sấm sét, mây hoặc nắng được đặt lên từng khu vực cụ thể để giúp người xem biết rõ hơn tình trạng thời tiết ở địa phương mình.
Các bản tin thời tiết thường đi kèm với các cảnh báo khi xuất hiện hiện tượng khí tượng nguy hiểm như bão, giông lốc, sương mù dày, sóng cao hay nắng nóng kéo dài. Hệ thống cảnh báo thường được mã hóa bằng màu sắc để người dân dễ nhận biết và đánh giá mức độ nguy hiểm. Cảnh báo màu vàng là mức thấp nhất, thể hiện tình trạng cần chú ý; màu cam cho thấy mức độ rủi ro trung bình, có thể gây ảnh hưởng; còn màu đỏ là cảnh báo cấp cao, yêu cầu hành động phòng tránh ngay lập tức. Việc nhận biết và hiểu đúng các ký hiệu này có thể giúp cộng đồng chủ động hơn trong việc sơ tán, điều chỉnh sinh hoạt và tránh thiệt hại không đáng có.
Việc hiểu rõ các biểu tượng và chỉ số trong bản tin thời tiết giúp người dân đưa ra quyết định chính xác hơn mỗi ngày. Một người lao động ngoài trời có thể chủ động chuẩn bị áo mưa nếu dự báo cho thấy mưa rào vào buổi chiều. Một gia đình tổ chức tiệc ngoài trời sẽ chọn ngày có biểu tượng nắng đẹp để tránh bị gián đoạn. Ngành nông nghiệp cũng cần dự báo chính xác để lên kế hoạch phun thuốc, thu hoạch mùa vụ hoặc gieo trồng. Các hoạt động du lịch, dã ngoại, thể thao ngoài trời... đều có thể được tổ chức linh hoạt nếu người tổ chức biết cách đọc hiểu bản tin dự báo một cách đầy đủ và chính xác.
Một trong những hiểu lầm phổ biến là tin rằng chỉ số nhiệt độ thấp luôn đồng nghĩa với cảm giác lạnh. Trên thực tế, một ngày 18°C có thể dễ chịu nếu không có gió, nhưng cũng có thể trở nên lạnh buốt khi kết hợp với gió mùa đông bắc. Một sai lầm khác là cho rằng mưa phùn và mưa rào đều như nhau, trong khi đây là hai kiểu mưa rất khác về cường độ, độ kéo dài và ảnh hưởng đến sinh hoạt. Ngoài ra, không ít người vẫn cho rằng "có mây" nghĩa là thời tiết xấu, trong khi thực tế, nhiều dạng mây lại đi kèm với điều kiện khí hậu lý tưởng.
Với những người mới bắt đầu, việc ghi nhớ các ký hiệu thời tiết không phải là điều quá khó nếu bạn tiếp xúc hằng ngày và luyện tập qua các ứng dụng có giao diện trực quan. Một số ứng dụng thời tiết tại Việt Nam như thoitietedu.tv, hoặc các nền tảng lớn như AccuWeather, Windy, Weather.com đều hiển thị biểu tượng kèm giải thích ngắn bằng tiếng Việt. Duy trì thói quen đọc dự báo thời tiết mỗi ngày trong một thời gian sẽ giúp người xem dần quen với cách mã hóa và hiểu sâu hơn về các hiện tượng khí tượng quanh mình.
Cách đổi ngày âm sang dương nhanh chóng đơn giản nhất. Chỉ với 3 bước là chúng ta đã có thể đổi một ngày âm...
Trong quá trình việc thực hiện cấp hộ chiếu online lần đầu trên cổng dịch vụ công của Bộ Công An. Thì mình nhận thấy...